Cách thở khi chạy bộ giúp cải thiện quá trình chạy

Ngày đăng 05/10/2021 09:22

Trong các môn thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe, bên cạnh các vấn đề thuộc về kỹ thuật thực hiện động tác thì hít thở có vai trò vô cùng quan trọng, góp phần không nhỏ vào hiệu quả tập luyện.
Đặc biệt với môn chạy bộ là môn tập mà toàn bộ cơ bắp và hệ hô hấp phải hoạt động liên tục, đòi hỏi phải hít thở đúng cách để cung cấp đủ ô xy cho cơ thể; tránh tình trạng bị hụt hơi, tức ngực, khó thở trong quá trình chạy và không duy trì được thời gian chạy như mục tiêu đặt ra.

cach-tho-khi-chay-bo-giup-cai-thien-qua-trinh-chay

Cách thở khi chạy bộ giúp cải thiện quá trình chạy

Có 2 cách hít thở khi chay bộ là hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng và hít vào thở ra bằng miệng. Nếu chạy với tốc độ chậm thì các bạn có thể áp dụng cách hít vào bằng mũi thở ra bằng miệng để điều hòa nhịp tim và nhịp thở. Hít thở bằng miệng thường áp dụng khi chạy với  tốc độ nhanh để hít được nhiều ô xy hơn, cơ bắp được cung cấp nhiều năng lượng hơn để đáp ứng tốc độ chạy.

cach-tho-khi-chay-bo-giup-cai-thien-qua-trinh-chay-1

Để hít thở đúng cách khi chạy bộ và cả khi sinh hoạt hàng ngày, các bạn cần phải tập thở bằng bụng, tức là thở sâu. Cách thở bụng sẽ giúp cơ thể hấp thụ được nhiều ô xy hơn, giúp ổn định nhịp tim, huyết áp, tăng cường trao đổi chất, giảm xóc bụng. Có nhiều người có thói quen thở bằng ngực, còn gọi là thở nông sẽ khiến cơ bắp bị căng cứng và dễ bị hụt hơi, nhất là khi vận động nhiều như chạy bộ.

Cách thở bụng là hít sâu vào bằng mũi để không khí đi vào tận trong khoang bụng; khi hít vào kéo dài hơi để bụng phình ra; khi thở ra thì bụng ép lại. Các bạn nên thở bụng lúc chạy bộ chậm để làm quen với cách thở này, khi đã thở bụng thuần thục, tự nhiên thì có thể tăng tốc.

cach-tho-khi-chay-bo-giup-cai-thien-qua-trinh-chay-2

Tiếp theo, để hít thở đúng cách khi chạy bộ các bạn còn cần chú ý đến tư thế đúng khi chạy. Đó là luôn giữ đầu, lưng, hông thẳng hàng; không cúi đầu về trước hoặc ngả ra sau khi chạy. Đống thời, luôn thả lỏng vai, mở rộng ngực để hít thở, tay đánh theo quán tính, không gò bó.

Một yếu tố tác động đến hơi thở khi chạy bộ các bạn cần lưu ý nữa là hãy tập hít thở nhịp nhàng, tránh thở lúc hổn hển, gấp gáp lúc lại chậm; lúc thở bụng lúc lại thở ngực; như vậy rất dễ bị rối loạn nhịp thở, không duy trì được phong độ chạy.

cach-tho-khi-chay-bo-giup-cai-thien-qua-trinh-chay-3

Hãy duy trì nhịp thở sâu, hít vào thở ra luân phiên với nhịp chân chạy để cơ thể được cân bằng, hơi thở được ổn định. Ví dụ thở theo nhịp 3-2 là hít vào trong 3 nhịp, thở ra trong 2 nhịp; hoặc khi chạy nhanh thì thở theo nhịp 2-1, tức là hít vào trong 2 nhịp và thở ra trong 1 nhịp.

Ngoài ra, khi chạy bộ các bạn cũng cần chú ý các vấn đề có liên quan và tác động đến hơi thở khác như: chọn địa điểm chạy có không khí trong lành, thoáng mát; không bị khói bụi, ô nhiễm; không quá đông đúc phương tiện giao thông sẽ làm hạn chế hiệu quả tập luyện.

cach-tho-khi-chay-bo-giup-cai-thien-qua-trinh-chay-4

Khởi động kỹ càng trước khi chạy cũng là yếu tố quan trọng, giúp cơ thể sẵn sàng vận động cường độ cao, nhất là hệ hô hấp, hệ tim mạch…; giúp hạn chế chấn thương có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, hãy chạy bộ những thời điểm thời tiết thuận lợi như nắng ấm, khô ráo; tránh những ngày trời lạnh, ẩm thấp, gió mùa… sẽ khiến bạn có thể hít thở không khí khô lạnh, ẩm thấp dễ bị ốm.